Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav, sáu tháng đầu năm 2015 tình hình phát tán tin nhắn rác ở Việt Nam tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ 2014. Số lượng tin nhắn rác phát tán mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, tăng hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014. Tin nhắn rác vẫn là một vấn nạn xã hội, dù các cơ quan chức năng đã ra tay xử lý. Vì sao vậy?
Nghìn lẻ một chuyện tin nhắn rác
Không cần điều tra ngoài xã hội, chỉ cần hỏi mấy người trong gia đình, bà con khu tập thể tôi đang sống, một ngày anh chị nhận được bao nhiêu tin nhắn rác, là họ nói ngay “vô kể”. Tôi thường phải xóa tin nhắn trong điện thoại cho bà xã. Tuần rồi bà ấy đi nghỉ gần tuần lễ, về mở điện thoại ra thấy có gần trăm tin nhắn.
Theo một thống kê khác của Công ty An ninh mạng Bkav công bố năm ngoái, thì 90% người dùng điện thoại di động thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày. Anh Quân, chủ nhiệm Câu lạc bộ thể thao ở Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày anh phải xóa trên 10 tin nhắn. Có điều rất lạ, anh vừa nhắn tin cho bạn mình thì ngay sau đó hàng loạt tin nhắn với nội dung quảng cáo mua nhà, đất, mời chào mua SIM đẹp đổ vào máy anh từ chính số máy của bạn anh. Còn chị Thủy ở khu tập thể Giảng Võ, đang ngủ, nghe điện thoại kêu tít tít, giật mình choàng dậy, khuya như thế này mà có tin nhắn chắc là có việc cần lắm,vì trước đó chị nhận được tin bà mẹ dưới quê đang ốm. Nhưng, mở điện toại ra toàn là tin nhắn quảng cáo chào bán nhà, đất.
Hàng triệu tin nhắn rác mỗi ngày “quấy quả” người tiêu dùng. Ảnh: HẢI NGUYỄN, báo Lao Động
Tin nhắn dạng lừa đảo tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Những tin nhắn này thường có nội dung mời soạn tin theo cú pháp được hướng dẫn, rồi gửi đầu số để được tặng tiền vào tài khoản hoặc nghe nhạc miễn phí. Khi người dùng nhắn tin theo cú pháp, tài khoản sẽ bị trừ tiền. Số tiền đó được tự động nạp vào tài khoản game hoặc thuê bao trả trước cho đối tượng lừa đảo. Tin nhắn rác còn biến tướng thành những chiêu trò lừa đảo dưới hình thức mạo danh người thân nhờ nạp thẻ, soạn tin trúng thưởng hoặc nghe nhạc chờ… Đó là chưa kể hàng chục dịch vụ của nhà mạng cũng đua nhau gửi tin nhắn tới các thuê bao mỗi ngày cho dù nhiều khi người dùng còn không biết họ đăng ký dịch vụ đó lúc nào. Có thể nói có 1001 kiểu tin nhắn rác.
Hàng rào kỹ thuật không chặn nổi
Ngày 24/12/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Các cơ quan chức năng, nhà mạng đã vào cuộc: Cục Viễn thông tăng cường quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, xử lý đối với các đối tượng sử dụng SIM trả trước phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; Cục An toàn thông tin triển khai các nội dung Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác, tăng cường công tác thực thi pháp luật xử lý các hành vi thu thập, mua bán thông tin cá nhân trái phép trên mạng, thông tin về số điện thoại di động của khách hàng; Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCert) tuyên truyền để người dân cảnh giác, không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, có nội dung quảng cáo, mời chào hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu lợi bất hợp pháp; khuyến cáo người dân cung cấp thông tin đầy đủ về hệ thống phản ánh tin nhắn rác tới đầu số 456 của Bộ; Các doanh nghiệp viễn thông di động đã tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin hợp tác với mình; Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, dịch vụ mạng xã hội, trò chơi điện tử trên mạng đã và đang thực hiện các quy định về việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động…
Có thể nói đã có sự đồng bộ, tích cực trong việc ra quân chống tin nhắn rác. Nhưng cả năm 2014 tin nhắn rác chỉ giảm được có 4,4% so với năm 2013. Đến năm 2015 thì tin nhắn rác lại bùng phát như đã đề cập ở đầu bài viết. Vì sao? Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động kêu khó trong việc nhận diện tin nhắn rác do chưa có tiêu chí thống nhất để xác định thế nào là tin nhắn rác, để xác định thuê bao phát tán tin rác, Bộ Thông tin Truyền thông thì chưa có văn bản hướng dẫn chính thức. Theo một nguồn tin, hiện nay, các Cục, Vụ thuộc Bộ mạnh đơn vị nào thì đơn vị đó trình văn bản về xử lý tin rác, nhưng thực tế thì vẫn chưa có tiêu chí xác định tin nhắn rác theo định lượng. Mỗi đơn vị đang chỉ đạo chặn tin nhắn rác theo tiêu chí do mình định ra.
Theo Thông tư 04 do Bộ ban hành trước đây, tin nhắn rác là tin nhắn lừa đảo, tin quảng cáo mà người dùng không muốn nhận. Theo tiêu chí này, tin nhắn lừa đảo có thể dễ nhận biết, nhưng đối với những tin nhắn quảng cáo nhà mạng rất khó xác định được thế nào là “người dùng không muốn nhận”.
Trao đổi với một người có nghiệp vụ viễn thông, anh cho biết: việc đối phó với tin nhắn rác còn gặp nhiều khó khăn, vì công nghệ “spam” liên tục được cập nhật. Đa số những công ty chuyên phát tán tin nhắn rác hiện dùng hệ thống chuyên nghiệp, nhắn tin tự động, có hệ thống dò đợt chặn tin nhắn của nhà mạng để giảm tần suất. Một bộ máy chuyên dụng có thể cắm hàng chục chiếc SIM và gửi đi hàng nghìn tin nhắn rác trong vài phút với nội dung không giống nhau. Nhà mạng siết chặt hơn về số lượng cũng như nội dung tin nhắn nên người làm dịch vụ này cũng “tương kế tựu kế”.
Trên mạng Internet xuất hiện nhiều phần mềm tải miễn phí gửi tin nhắn rác. Phần mềm này hỗ trợ người dùng soạn thảo tin nhắn, lọc danh sách thuê bao gửi đến. Và những chiếc máy phát tán tin vẫn theo một số đường riêng về khắp tỉnh thành. Vì thế rào cản kỹ thuật của các nhà mạng có khi còn không theo kịp với những người kinh doanh dịch vụ này.
Một trong rất nhiều phần mềm phát tán tin nhắn rác
Phải vượt qua hàng rào lợi ích nhóm
Lý giải cho tình trạng phát tán tin nhắn rác còn nhiều, Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, việc thực hiện đăng ký thông tin thuê bao trả trước và kiểm tra tính xác thực của thông tin đăng ký vẫn còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, dư luận cho rằng bản thân các nhà mạng chưa thực sự quyết liệt ngăn chặn. Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông có lần khẳng định: “Vì nhà mạng quản lý không tốt SIM trả trước theo Thông tư 04 nên số lượng tin nhắn rác xuất phát từ SIM do mạng đó phát hành mới nhiều“.
Dư luận cho rằng, chính các nhà mạng cũng “quấy rối khách hàng”. Nhiều chủ thuê bao của mạng MobiFone bức xúc khi thấy chỉ trong một ngày nhận được cả chục tin nhắn rác. Vẫn những nội dung na ná nhau, kiểu như: “Số thuê bao của bạn đã được MobiFone lựa chọn hôm nay tham gia quay thưởng miễn phí…“. Còn VinaPhone cũng đưa ra những tin nhắn làm phiền kiểu dụ dỗ tham gia rất nhiều chương trình, mạng này còn tự động kích hoạt dịch vụ bản tin tài chính khi truy cập trang web cho các thuê bao trả sau. Tương tự, mỗi khi thuê bao của mạng Viettel nạp thẻ cào thành công là có tin nhắn rác đổ vào, khiến hàng loạt thuê bao phải chấp nhận mà chẳng biết kêu ai.
Thầy Vũ Công Tuyển là giáo viên của Trường THPT Việt Đức, cũng được đi tham quan vài nước và quan tâm tới nạn tin nhắn rác, cho rằng, để giải quyết triệt để nạn “SIM rác”, phải quản lý chặt các đại lý bán SIM. Các nhà mạng phải thực hiện việc ký hợp đồng với thuê bao trả trước tương tự như thuê bao trả sau. Anh Tuyển sang Anh, sang Nhật muốn mua một cái SIM điện thoại mà không được, phải có bộ hồ sơ gồm nhiều giấy tờ mới mua được một SIM.
Ngày 15/9/2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đã có cuộc họp với các bộ phận chức năng bàn về việc xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định về chống thư rác. Đại diện Cục Viễn thông cho biết, đã nghiên cứu kinh nghiệm từ Mỹ, Canada, Đức, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore. Thông tin thuê bao tại các quốc gia trên được quản lý chặt chẽ và chính xác, giúp cơ quan chức năng dễ dàng xác định được tổ chức cá nhân khi vi phạm. Mức xử phạt đối với hành vi phát tán tin nhắn rác tại các quốc gia nói trên rất nặng. Tại Singapore, Sở Bảo hộ Thông tin cá nhân nước này có quyền xử phạt mức cao nhất lên tới 1 triệu SGD (tương khoảng 1,6 tỷ đồng) khi phát hiện hành vi phát tán tin nhắn rác. Trong đó, mỗi lần phát một tin nhắn đến thuê bao đã đăng ký trong danh sách không nhận tin nhắn quảng cáo, hình phạt có thể lên tới 10.000 SGD mỗi tin.
Còn tại Đức, ngoài phạt hành chính 50.000 euro (khoảng 1,3 tỷ đồng), phát tán tin nhắn sex và các thông tin không bình thường còn bị liệt vào tội có hành vi phi pháp và bị truy tố hình sự.
Trong khi việc định nghĩa chính xác thế nào là tin nhắn rác vẫn còn đang bàn cãi, các nhà mạng lợi dụng lúc “tranh tối tranh sáng” để kiếm thêm doanh thu. Nếu so sánh với các quốc gia mà định nghĩa và phân loại thư rác còn chưa rõ ràng như Việt Nam, thì sao họ quản lý tin nhắn rác vẫn hiệu quả? Còn với chúng ta phải chăng “lợi ích nhóm” đã và đang trở thành rào cản để các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn không muốn siết chặt dịch vụ nhắn tin, không muốn quản lý chặt chẽ các loại SIM. Bởi nếu quản lý chặt chẽ sẽ cần nhiều giấy tờ, in ấn tốn kém, thêm người quản lý thì lợi nhuận của họ ít đi, đó là chưa kể số lượng thuê bao sẽ giảm đi.
Các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn phải dũng cảm vượt qua chính mình, đặt lợi ích của xã hội lên trên lợi ích của mình thì mới hy vọng hạn chế mức thấp nhất vấn nạn tin nhắn rác. Vỏ quýt dày phải có móng tay nhọn. Những nhà quản lý phải ra tay quyết liệt hơn nữa, nhanh chóng hoàn thiện các quy chế để tin nhắn rác không còn đất sống.
Trong khi chờ đợi những cơ quan chức năng ra tay để xóa sổ tin nhắn rác, mỗi người chúng ta làm gì để không bị tin nhắn rác quấy nhiễu? Khi đặt câu hỏi đó tôi nhớ tới tháng 8/2015 trên báo VNEXPRESS, mở một diễn đàn có tựa đề “Làm sao để không nhận tin nhắn rác?”, một bạn đọc lấy tên là Anhthaiit viết: “Tôi thường xuyên nhận được tin nhắn rác trên điện thoại mà không biết làm thế nào để chặn nó. Các bác nào có cao kiến xin chỉ giúp”. Một bạn đọc mách bảo: “Bác nên sài phần mềm diệt virus trên điện thoại của Bkav. Mình đang sài Bphone sử dụng dịch vụ này của Bkav chặn tin nhắn rác rất ok”. Một bạn khác tên Hùng trả lời cũng nói: “Mình cũng đang dùng PM (phần mềm) này, công nhận chặn rất hiệu quả”.
Còn tôi, viết bài này chỉ mong góp một tiếng nói nhỏ bé của người dân để cơ quan chức năng có những biện pháp hữu hiệu loại bỏ vấn nạn tin nhắn rác.